Thành phố Hà Nội: Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản phục vụ người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nông thôn mới Hà Nội; NTM Hà Nội; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; OCOP Hà Nội; Nông thôn Hà Nội
Đây là nội dung được Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, khi phát biểu tại hội nghị giao ban quý II/2021 Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong số 6 huyện chưa về đích, hiện nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định.
Đoàn thẩm định NTM thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành thẩm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa đối với huyện Chương Mỹ; kết quả địa phương này đủ điều kiện để hoàn thiện thủ tục trình Hội đồng Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn. Trong khi đó, 2 huyện Mê Linh và Ứng Hòa đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, thẩm tra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2021. Đối với các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, đang hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM trong năm 2022.
Bên cạnh 12 huyện, thị xã về đích NTM, toàn Thành phố hiện đã có 368/382 xã đạt chuẩn NTM, và 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 14 xã chưa hoàn thành NTM, có 2 xã thuộc huyện Ba Vì (Vân Hòa, Ba Vì) đã được Đoàn Thẩm định Thành phố tiến hành thẩm định, đánh giá đủ điều kiện trình Hội đồng Thành phố xem xét, công nhận đạt chuẩn. Còn lại 12 xã của các huyện Mỹ Đức, Ba Vì đều đạt từ 16 - 19 tiêu chí, phấn đấu trình Thành phố thẩm định trước 30/9/2021.
Cùng với kết quả xây dựng NTM, từ đầu năm 2021 đến nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Năng suất cây trồng vụ Xuân đạt cao. Chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cả về số lượng và sản lượng. Điều này góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 cho người dân cư trú tại Hà Nội.
Đời sống nông dân Hà Nội thời gian qua cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức hiện không còn hộ nghèo.
Phát triển tam nông trong bối cảnh dịch Covid-19
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Chính bởi vậy, việc tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu kép về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM gắn với bảo đảm đời sống cho người dân, trước mắt là lương thực, thực phẩm, được xem là hết sức quan trọng.
Để bảo đảm mục tiêu kép trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình số 04-CTr/TU đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Các huyện, thị xã cần ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 04/CTr-TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025 cụ thể theo từng năm nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng NTM, đặc biệt là những huyện còn nhiều khó khăn như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa…
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, nghiên cứu xây dựng chính sách để tạo điều kiện phát triển hợp tác xã, kinh tế trang trại. Quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ban ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hoá nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thủ đô.