Hợp tác xã hòa nhịp thị trường công nghệ số
Nông thôn mới Hà Nội; NTM Hà Nội; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; OCOP Hà Nội; Nông thôn Hà Nội
Hai năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng về mua sắm trực tuyến. Theo nghiên cứu của Nielsen, tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt con số 32%, tăng cao so với tỷ lệ 18% của năm 2019. Tần suất mua hàng bằng hình thức thương mại điện tử cũng tăng gần gấp đôi, từ 1,2 lần năm 2019 lên con số 2,1 vào năm 2020.
Nhiều hợp tác xã (HTX) đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại công nghệ số.
Theo dự báo, với sự phát triển về công nghệ thông tin, mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo. Đây là điều kiện thuận lợi để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.
Nắm bắt được điều này, không ít HTX đã ứng dụng thương mại điện tử vào việc mở rộng đầu ra cho nông sản. Tiêu biểu như HTX chôm chôm Java Tân Khánh (tỉnh Vĩnh Long) đang sản xuất trên diện tích 28,5 ha. HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ để giúp chôm chôm ra rải vụ quanh năm. Sản xuất trên diện tích lớn và có sản phẩm quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì giá trị nông sản mới cao và thu nhập của thành viên mới bảo đảm.
Ông Võ Văn Bê, Giám đốc HTX Chôm chôm Java Tân Khánh, cho biết từ khi tham gia các trang thương mại điện tử, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực hơn, người mua cũng tin tưởng hơn. Đối tượng khách hàng của HTX cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể dù dịch Covid-19 đang xảy ra.
Có thể thấy một trong những hướng đi hiệu quả, bền vững để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng và thích ứng với thị trường chính là ứng dụng công nghệ số. Và, để có thể thích nghi với những tác động của thị trường, đặc biệt là dịch Covid-19, không ít HTX đã tự tìm cho mình những giải pháp nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại.
Nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 HTX ở 24 tỉnh thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh, thành phố ghi nhận, 76,8% số HTX tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% HTX thay đổi phương thức kinh doanh như chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền tư vấn chuyện môn, chính sách…
Theo các chuyên gia, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX, người dân ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để vượt qua thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.
Gần đây, sau những tín hiệu đáng mừng trong việc thúc đẩy tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang và vải Thanh Hà tỉnh Hải Dương của một số HTX trên sàn thương mại điện tử, các trang facebook… một loạt các nông sản của người dân và HTX ở các tỉnh thành đã triển khai chiến dịch thâm nhập vào thị trường bán hàng online đầy tiềm năng này như: bơ Đăk Lăk, mận Sơn La, khoai lang tím Vĩnh Long.
Khi sức tiêu thụ tốt đồng nghĩa với nguồn thu của người dân, thành viên HTX cũng tốt hơn. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của người dân, thành viên HTX về cách làm mới mẻ này.
Đặc biệt, ngày 06/6/2021 vừa qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình "Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội - cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch" và vận động ủng hộ Quỹ Vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ.
Đây sự kiện trực tuyến lần đầu được tổ chức, nhằm kết nối các chủ thể OCOP, doanh nghiệp, HTX tới người tiêu dùng dựa trên nền tảng mạng xã hội nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm. Trong bối cảnh đó, thay vì phải giải cứu nông sản một cách bị động và dễ gây tổn thương đến người nông dân, các chủ thể kinh doanh, ngành nông nghiệp cần chủ động chia sẻ, kết nối và lan tỏa những giá trị nông sản Việt.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: "Hoạt động này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội về các giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Theo các chuyên gia, bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, bán hàng online giúp cắt giảm các khâu trung gian. Đặc biệt khi liên kết với các doanh nghiệp để bán hàng online, người dân, HTX còn được đào tạo, làm quen với quy trình hậu sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Điều này cho thấy, đối với HTX, thương mại điện tử vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý HTX còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo.
Và để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các HTX một cách phù hợp và thiết thực.